Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng (Mt 7:21.24-27) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN I MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Mt 7,21.24-27

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Is 26,1-6

Chủ đề về cuộc chiến giữa hai thành Babylon và Giêrusalem thường được nhắc tới trong toàn bộ kinh thánh, (Kh 18,21). Đây là biểu tượng của cuộc chiến giữa thiện và ác.

Ngày ấy, trong đất Giuđa, người ta hát khúc ca này: Sion là thành trì kiên cố của chúng ta.

Hẳn thật, Giêrusalem và Babylon được coi như những thủ đô địa dư. Chúa Giêsu cũng sẽ loan báo việc làm tàn phá thành Giêrusalem. Sấm ngôn này của Isaia loan báo “cộng đoàn thiêng liêng”, là Giáo-hội, thành trì kiên cố, đáp ứng nhu cầu sâu xa để mọi người cư ngụ được bình an.

Giáo-hội có phải là niềm an bình của tôi không. Tôi nương tựa vào Giáo-hội thế nào? hay là… tôi dựa vào sức riêng, vào những xét đoán riêng mà phê bình Giáo-hội?

Có tường thành và hào lũy che chở.

Hình ảnh tuyệt vời. Sự che chở cả hai phía. Chính Chúa xây dựng tường thành. Ta đừng quên rằng. Vào thời đó, các cư dân ở Giêrusalem (và chính Isaia nữa) mỗi tuần đều nghe biết những tin tức đáng buồn về sự suy sụp của thành này thành nọ cách xa họ 50km trong vương quốc miền Bắc. Tôi cũng nghĩ đến những sự mỏng dòn của tôi.

Và lạy Chúa, con xin Chúa nên tường thành của con, của những người thân của con, của mọi người. xin bảo vệ chúng con khỏi sự dữ.

Hãy mở cửa ra, và dân công chính biết giữ “sự trung tín, hãy tiến vào”.

Không phải chỉ có dân thành Giêrusalem. Isaia kêu gọi các người đồng hương của ông hãy mở trí lòng ra: chính “sự công chính”, “sự trung tín” tạo nên tư cách của người dân thành… Chứ không phải vì được thuộc về một dòng giống hay một sứ sở nào.

Cánh cửa mở rộng đón tiếp mọi dân, mọi người công chính và trung thành. Tin Mừng tràn ngập sự rộng mở này. Còn tôi?

Lạy Chúa, Chúa sẽ bảo toàn sự hòa bình.

Con người ngày nay, hơn những người của các thế hệ trước, biết rõ rằng chiến tranh là tàn phá, bất hạnh, chết chóc… họ cũng biết rằng cơ may của hòa bình là bất khả phân và liên hệ tới bình diện quốc tế: Mọi cuộc chiến dù là cục bộ đi nữa, vẫn vang dội tới phần còn lại của nhân loại.

Các giáo huấn của Đức Thánh Cha thường đề cập tới chủ đề này: tại sao người ta vẫn dửng dưng về đề tài này? Bao nhiêu người khát vọng hòa bình, lại không dấn thân hơn nữa vào việc xây dựng an bình? Cùng với Chúa kiến tạo người bình.

Lạy Chúa, chúng con còn quá xa lý tưởng!

Và điều đó bắt đầu từ mức độ sơ khởi trong các tương quan nhân loại của chúng ta với nhau. Phải xây dựng an bình với những người chung sống với tôi.

Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa “Đấng quyền năng mãi mãi”.

Sự an toàn của những thành cổ thường do vị trí của chúng: chẳng hạn thành Giêrusalem được coi như không thể bị vây chiếm, vì được xây trên mũi đá dễ bảo vệ.

Các ngôn sứ khai thác chủ đề Thiên Chúa đá tảng. Sự an toàn chân thực của một thành trì không phải do những phương tiện về nhân loại, nhưng bởi biết nương tựa vào Chúa. Thiên Chúa là đá tảng chân thực. Hình ảnh kiên cố của đá được Chúa Giêsu lấy lại trong Tin Mừng: “Xây nhà mình trên đá”… “Con là Phêrô nghĩa là Đá, trên đá này. Thầy sẽ xây hội thánh Thầy”.

Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những “thành trì danh tiếng”.

Đây là chủ đề bổ túc. Sự nóng giòn của những an toàn nhân loại.

Không phải tất cả những ai nói với Ta: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời”

Lạy Chúa, trước hết con muốn lập đi lập lại nhiều lần những lời trên.

Con muốn nghe những lời đó từ môi miệng Chúa, như thể Chúa đang nói với con hôm nay.

Tuy nhiên, con biết rằng chúng con cần cầu nguyện, và Chúa cũng thường đòi hỏi chúng con cầu nguyện. Nhưng con cầu nguyện chưa đủ.

Trong tinh thần của Chúa “cầu nguyện” và “hành động” không đối nghịch nhau. Chúa nói: “cầu nguyện thời chưa đủ…”. Vậy con cần phải cầu nguyện nữa không, vì ta vẫn có thể nói: điều đó không đủ. Lúc này, con đang cầu nguyện. Con thưa lên “Lạy Chúa, Lạy Chúa”. Những con đón nhận mọi sự Chúa tỏ lộ trong bản văn trên: Chúa muốn trao cho con những công tác, những trách nhiệm mỗi ngày. Nghĩa là tự nhiên phải vượt qua từ “cầu nguyện” đến “hành động”: Con chậm rãi khám phá và suy gẫm “thánh ý Chúa Cha” … rồi con khởi sự thi hành thánh ý đó.

Trong cuộc đời, điều làm vui lòng Thiên Chúa, không phải chỉ là những giây phút tôi cầu nguyện… mà còn là mọi lú trong những ngày sống.

Lạy Chúa, Chúa có biết điều hôm nay con phải làm không? Ý định của Chúa muốn con thực hiện là gì? Chớ gì ý Chúa được thành toàn nơi điều con sẽ làm hôm nay.

Vậy ai nghe những điều Ta nói đây và đem ra thực hành…

Đó cũng là một ý tưởng: một nhịp sống cốt yếu trong hai thì:

Lắng nghe…

Đem ra thực hành…

Lạy Chúa, xin giúp con hoạt động thực sự, biết những hành động của con sao cho phù hợp với ý Chúa.

Thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình “trên Đá”.

Lạy Chúa, con thường không nhận ra đúng tầm quan trọng các sự việc choán đầy ngày sống của con. Con làm việc này sau việc khác bởi vì cần phải như thế. Những tưởng như thế không đủ! Do đó, con sẽ thấy ngày sống rất nhàm chán và trống rỗng!

Tuy nhiên, những ngày đó có thể trở nên quan trọng và chắc chắn như đá, nếu con hoàn toàn chỉ xây dựng chúng nhiều hơn trên Lạy Chúa, trên thánh ý Chúa, trên chính Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con biết xây dựng đời sống con trên đá, nghĩa là trên Chúa.

Xây dựng vững chắc!

Thiết lập.

Nhân loại cần những người nam nữ bền vững, những người xây dựng, biết xây dựng vững chắc cùng với Thiên Chúa.

Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành.

Lời nói trên khiến một số người phải suy gẫm, đó là những kẻ nói: “tôi tin… nhưng tôi không thực hành…”. Thực sự, có nhiều cách “thực hành”: thực hành bác ái, thực hành công chính, thực hành cầu nguyện, thực hành lòng tốt… thực hành đức tin… Nhưng ở đây Chúa Giêsu hình như muốn nói, cần phải sống hương hảo và không tự bằng lòng với những tình cảm tốt hay những ý định tốt. Nếu không, thì đó chỉ như một “căn nhà được xây trên cát”!

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Môn đệ chân chính

HOÀN CẢNH:

Trong bài giảng trên núi (Mt 5,1-7,23), Đức Giê-su giáo huấn về đời sống hoàn thiện, bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của bài giảng, nói về thế nào là người môn đệ chân chính,

Ý CHÍNH:

Đức Giê-su đưa ra nguyên tắc để đo lường sự hoàn thiện của người môn đệ, đó là ta có sống đúng ý Thiên Chúa hay không.

TÌM HIỂU:

21 ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ”Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào nước trời cả đâu!”:

Qua câu này, Đức Giêsu đưa ra nguyên tắc để đánh giá một người xứng đáng vào Nước Trời, đó là “Thi hành ý muốn của Thiên Chúa”. Điều này chứng tỏ Đức Giê-su đòi hỏi phải sống, phải làm, phải thực hiện trong đời sống, chứ không chỉ hiểu, chỉ biết, chỉ nói suông ngoài môi miệng: Lời Chúa phải đi đôi với việc làm.

24-27 ”Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây….”:

Nhằm diễn tả giá trị của việc thực thi Lời Chúa để được vào Nước Trời, và để được gọi là hoàn thiện, thì Đức Giê-su đã ví với việc xây nhà.Xây dựng nhà cửa là một công việc hết sức quan trọng và được tượng trưng cho việc xây dựng cuộc đời. Điều này đã được Thánh Gioan diễn tả (1Gioan 2,17): ”Và thế gian đang qua đi cùng với đam mê của nó, còn kẻ làm theo ý Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại”.

Như vậy, Đức Giê-su có ý nói với thính giả vừa nghe bài giảng trên núi của Chúa để xác định rằng, người môn đệ nghe lời Chúa giảng mà đen ra thực hành, thì xứng đáng là người khôn ngoan, biết lo cho đời sống hạnh phúc và phải coi những người như vậy là người khôn khéo, biết đặt nền móng vững chắc mà xây dựng nhà, mưa to gió lớn không làm đổ được tòa nhà thiêng liêng ấy, vì xây trên sự thực hành giáo huấn của Chúa.Nếu chỉ nghe mà không tuân giữ, thì người đó là kẻ dại dột, như kẻ xây dựng nhà cửa trên bãi cát,khi có mưa to gió lớn, tức là khi gặp thử thách thì tòa nhà thiêng liêng của họ sẽ sụp đổ

Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn xây nhà kết thúc bài giảng, và nhắc nhở thính giả nghe xong thì phải đem ra thực hành trong đời sống để được vào Nước Trời.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có một số nhận thức và áp dụng sau đây:

1. Trong đời sống đạo, chúng ta cần tỉnh thức kẻo bị mắc lừa những kẻ giả hình mặc lốt đạo đức giả để lừa dối ta, để lôi kéo ta theo đường tội lỗi; đồng thời chúng ta cũng phải tỉnh thức giữ cho khỏi tự mình lừa dối mình như nghe mà không làm, chỉ nói mà không thực hành lời Chúa dạy.

2. Chúng ta đừng ảo tưởng cậy dựa vào những việc đạo đức vụ hình thức, những việc tông đồ rầm rộ mà không có tinh thần bên trong, và những người kiến thức giáo lý dồi dào mà không biết đem ra thực hành trong đời sống… để bảo đảm cho việc vào Nước Trời ! Lời Chúa đã nói: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ”Lạy Chúa! Lạy Chúa!là được vào nước trời cả đâu!Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy… mới được vào mà thôi!”

3. Muốn đứng vững được trong mọi thử thách, muốn thực sự gắn bó với Chúa thì phải tập lắng nghe và thi hành Lời Chúa mỗi ngày.

4. Dụ ngôn xây nhà là lời kết thúc bài giảng trên núi của Chúa, vì thế điều này thúc giục ta phải biết mau mắn thực hành lời Chúa dạy trong bài giảng trên. Để được vào Nước Trời:

a) Những điều tiêu cực:

- Chừa bỏ thói phô trương khi làm việc thiện 6,1-18.
- Đừng quá lo lắng hay bận lòng về việc xác 6,19-34.
- Đừng xét đoán sự lỗi của người khác 7,1-5.
- Phải tránh sự nông nổi nhẹ dạ 7,6.
- Hãm dẹp xác thịt lăng loàn 7,13-14

b) Những điều tích cực để thực hành sự hoàn thiện:
- Cầu nguyện cho mình và cho tha nhân 7,7-12.
- Tỉnh thức luôn để khỏi bị lừa 7,15-23.

1. Những nguyên nhân gây ra khủng hoảng tinh thần, sa sút lòng đạo đức vào dề sa vào những chước cám dỗ của ma quỷ, thế gian , xác thịt, là vỉ biết nghe mà không biết sống Lời Chúa: vì” Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Con cái của thế gian còn vậy, huống chi chúng ta là con cái Thiên Chúa.

2. Tâm tình của bầu khí mùa vọng giúp chúng ta ý thức việc lắng nghe Lời Chúa và may mắn đem ra thực hành trong đời sống thường ngày để xứng đáng đón Chúa đến bất cứ lúc nào trong cuộc đời của mình.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.